HoangLongCMS
Khuyến nghị về sửa đổi, bổ sung pháp luật về Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nhằm thúc đẩy bình đẳng giới
14:31 | 25/11/2016

Trong khuôn khổ Dự án “Tăng quyền năng cho phụ nữ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài” do Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN WOMEN) tài trợ.

Vừa qua Cục Quản lý lao động ngoài nước đã phối hợp với các tổ chức, cá nhân liên quan triển khai hoạt động nghiên cứu rà soát Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài dưới góc độ bình đẳng giới. Nhằm giới thiệu về kết quả của nghiên cứu nêu trên, đặc biệt là nội dung về các khuyến nghị lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, ngày 06/10/2016, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã tổ chức Tọa đàm khuyến nghị về sửa đổi chính sách pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nhằm thúc đẩy bình đẳng giới.

Tham dự buổi Tọa đàm có ông Phạm Viết Hương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, đại diện Cơ quan Liên hiệp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UNWomen), cùng với các đại biểu đến từ một số Sở Lao động - Thương binh và Xã hội khu vực phía Bắc, các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, các tổ chức dân sự xã hội, viện/trung tâm nghiên cứu các vấn đề về giới, một số tổ chức quốc tế và các cơ quan thông tấn báo/chí.

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Phạm Viết Hương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, trong những năm gần đây trong tổng số 80.000-100.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài hàng năm, có khoảng 30% là nữ. Lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài thường làm các ngành nghề gắn chặt với nữ giới như giúp việc gia đình, chăm sóc người già, công nhân điện tử, công nhân may, hộ lý, điều dưỡng…. Số lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài đã đóng góp đáng kể vào việc nâng cao mức sống gia đình, phát triển kinh tế hộ gia đình và địa phương. Việc bảo vệ quyền lợi của người lao động đi làm việc ở nước ngoài luôn được coi trọng, đặc biệt là lao động nữ vì đây là đối tượng yếu thế, dễ bị lợi dụng, nhất là khi đi làm việc ở nước ngoài. Việc thực hiện nghiên cứu rà soát Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng dưới góc độ bình đằng giới được xem là một trong những hoạt động quan trọng nhằm tạo công cụ pháp lý hoàn thiện hơn để bảo vệ tốt hơn người lao động nói chung, và đặc biệt là lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài

Tại buổi Tọa đàm, các khuyến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã được nêu ra và nhận được sự đồng thuận cũng như đánh giá cao của các đại biểu tham dự. Các khuyến nghị sửa đổi, bổ sung quan trọng được đề cập đến bao gồm:

  • Cần quy định rõ vai trò của các cơ quan chức năng của Nhà nước trong đảm bảo quyền tiếp cận thông tin liên quan đến quá trình đi làm việc ở nước ngoài của người lao động, đặc biệt của lao động nữ.
  • Quy định rõ hơn trách nhiệm của các bên liên quan, đặc biệt cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài bao gồm cả Ban quản lý lao động trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong thời gian làm việc ở nước ngoài.
  • Chương trình bồi kiến thức cần thiết cho người lao động cần đặc biệt chú trọng phổ biến cách thức phản ánh tình trạng quyền và lợi ích của người lao động khi bị vi phạm và quy trình bảo vệ họ.
  • Xem xét tăng thêm số lượng các Ban quản lý lao động tại các nước tiếp nhận lao động Việt Nam cũng như đảm bảo tỷ lệ hợp lý cán bộ nam và nữ;
  • Cần có quy định nâng cao trách nhiệm và khuyến khích các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức mở rộng các loại hình việc làm phi truyền thống đối với phụ nữ và nam giới trong quá trình đàm phán các hợp đồng cung ứng lao động.
  • Cần tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của các cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài đối với việc quản lý, xử lý các vấn đề phát sinh đối với người lao động của đại diện các doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp nhằm thay thế quy định cấm một số nghề và công việc mà chủ yếu do phụ nữ thực hiện.Việc giám sát chặt chẽ và thanh tra của các các cơ quan chức năng của Nhà nước đối với hoạt động thu phí của các doanh nghiệp dịch vụ phải được đề cập trong nội dung sửa đổi, bổ sung Luật số 72/2006/QH11.
  • Cần tăng cường truyền thông, đặc biệt thông qua chương trình bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động cung cấp thông tin chi tiết và chính xác về các khoản cấu thành nên tổng chi phí đi xuất khẩu lao động theo quy định của pháp luật.
  • Vấn đề chuyển tiền về nước của người lao động cần được quy định thành một điều khoản riêng trong nội dung sửa đổi, bổ sung Luật số 72/2006/QH11.

HoangLongCMS
TT Phát triển nguồn nhân lực Hoàng Long

HOTLINE: 0934 999 130 | 04 3757 8412
41 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội
72-74 Tân Xuân, Xuân Đỉnh, Từ Liêm, HN
KCN Thăng Long I, Đông Anh, HN